Người Đối Diện - Kỹ Năng Nghề Bếp

Người đối diện- trang chia sẻ các nguyên tắc, kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng trong nghề bếp. Nới đây, bạn sẽ được tham khảo những kinh nghiệm nấu ăn của các đầu bếp nổi tiếng. Hãy cùng nguoidoidien.hatenablog.com phát triển nghề bếp lên một tầm cao mới.

Các Chức Danh Trong Bộ Phận Bếp Nhà Hàng, Bạn Đã Biết?

Bếp là bộ phận quan trọng nhất của nhà hàng, là nơi làm ra sản phẩm món ăn chất lượng phục vụ thực khách. Vì vậy, để làm tốt công việc của một nhân viên Bếp, bạn phải hiểu rõ về các chức danh trong bộ phận Bếp, nơi mình làm việc hàng ngày. Nếu bạn chưa có nhiều thông tin, hãy tham khảo bài viết dưới đây.

 Trong nghề nấu ăn việc phân chia chức danh cho từng khu vực Bếp không chỉ giúp công việc được rõ ràng, cụ thể mà còn giúp nhà hàng dễ dàng quản lý được nhân sự. Tùy vào quy mô của nhà hàng mà mỗi nơi sẽ có cách sắp xếp vị trí nhân sự khác nhau, tuy nhiên một nhà hàng đúng theo quy chuẩn sẽ luôn bao gồm các chức danh trong bộ phận bếp như sau.

f:id:nguoidoidien:20181108132157j:plain

Không chỉ riêng Đầu bếp chính, bộ phận Bếp còn có nhiều chức danh khác - Ảnh: Internet

Bếp trưởng điều hành (Head Chef/ Executive Chef)

Vị trí được cho là “quyền lực” nhất trong Bếp chính là Bếp trưởng điều hành, chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình làm việc của nhân viên và chất lượng sản phẩm của Bếp nhà hàng. Bếp trưởng sẽ giám sát và chỉ đạo tổng quát các khu vực Bếp, cũng là người đề ra công thức, tiêu chuẩn cho từng món ăn và lên thực đơn cho nhà hàng.

Bếp phó (Sous Chef)

Là cánh tay phải đắc lực của Bếp trường, Bếp phó đồng thời đảm nhiệm trọng trách của một chuyên gia nấu ăn. Nhiệm vụ chính của Bếp phó là theo sát quá trình chế biến và đảm bảo tất cả món ăn đều hoàn hảo nhất. Ngoài ra, Bếp phó cũng sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ công việc ở bộ phận Bếp khi Bếp trưởng vắng mặt.

Bếp trưởng bộ phận (Chef de Partie/ Station Chef)

Tùy vào quy mô nhà hàng mà bộ phận Bếp có sự phân chia vị trí phụ trách từng khu vực nhỏ như Bếp lạnh, Bếp Á, Bếp Âu… Những người này sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng món ăn trước khi sản phẩm đến tay Bếp phó và Bếp trưởng.

Bếp trưởng Bếp bánh (Pastry Chef)

Một số nhà hàng có hoạt động Bếp Bánh thì Bếp trưởng Bếp bánh sẽ là người chỉ đạo tổng quát khu vực này. Trong toàn bộ công việc, Pastry Chef có nhiệm vụ báo cáo công việc hàng ngày cho Bếp trưởng điều hành.

Phụ bếp (Commis Chef)

Nhân sự Bếp mới vào nghề sẽ bắt đầu ở vị trí Phụ bếp. Công việc chủ yếu của những người này là chuẩn bị, sơ chế nguyên vật liệu để sẵn sàng chế biến. Phụ bếp được đào tạo trực tiếp từ các Bếp trưởng bộ phận hoặc Bếp phó.

Saucier

Trong các Bếp kiểu Âu, Saucier sẽ là người chuyên chế biến các loại nước xốt cho món ăn. Tuy nhiên, ở bộ phận Bếp ở Việt Nam hầu như không có nhân sự chuyên trách vị trí này.

Fish Cook/ Poissonier - Meat Cook/ Rotisseur

Đối với nhà hàng Nhật, đây là vị trí quan trọng vì thực đơn các nhà hàng này chủ yếu phục vụ nhiều món cá tươi sống. Một Poissonier chuyên nghiệp phải thật sự am hiểu các loại hải sản, đặc biệt là cá, thuần thục cách sơ chế và chế biến. Cũng giống Đầu bếp chuyên món cá, Đầu bếp chuyên món thịt sẽ tập trung chế biến toàn bộ món ăn được làm thịt.

Vegetable Cook/ Entremetier

Công việc của Đầu bếp chuyên món rau khá đa dạng. Họ có thể tham gia vào các công đoạn sơ chế, chế biến các món rau, soup, gạo… hoặc những công việc khác theo sự chỉ dẫn của Bếp trưởng.

f:id:nguoidoidien:20180810180751j:plain

Entremetier là người chịu trách nhiệm chế biến các món về rau, soup… - Ảnh: Internet

Sự khác nhau trong quy mô nhà hàng cũng ảnh hưởng đến sự khác nhau trong cách sắp xếp, mức lương các chức danh trong bộ phận Bếp. Tuy nhiên, những chức danh mà chúng tôi vừa chia sẻ sẽ là bảng tổng hợp các vị trí cơ bản cần có trong một khu vực Bếp nhà hàng.